Thứ Hai, 22 tháng 2, 2016

Nói Và Viết Tiếng Anh, Đừng Dịch Từ Tiếng Việt

Dương Văn Chín Share:
Rất nhiều người quan tâm là làm sao chúng ta có thể đạt đến trình độ nói và viết tiếng Anh mà không cần phải dịch trong đầu từ tiếng Việt. Làm thế nào để vượt qua?

Tôi nhớ lại câu chuyện của anh bạn tôi, giúp cho một sinh viên từ Việt Nam sang Mỹ du học. Cô sinh viên này phải viết một personal statement, một bài luận nói về chính mình khi nộp đơn vào trường. Khi nhận được email với bài luận từ Việt Nam gởi sang, có khá nhiều lỗi, nhưng có câu anh bạn tôi đọc mà không hiểu. Cô ta viết thế này, “If you try hard, you will become a needle one day.” Dịch sát chữ: “Nếu bạn cố gắng, một ngày nào đó sẽ thành chiếc kim khâu.” À thì ra “Có công mài sắc có ngày nên kim.”

Khi còn học ESL ở Houston, có lần thầy giáo writing viết vào bài làm của tôi mấy chữ to tướng “Do not translate from Vietnamese! – Không được dịch từ tiếng Việt.” Chả là khi viết bài tả về những thiếu nữ, tôi nói tuổi 15 là tuổi đẹp, tuổi trăng tròn – full moon age. Tiếng Anh có từ trăng tròn – full moon, nhưng không có tuổi trăng tròn, nên thầy giáo không hiểu.

Khi suy nghĩ để có ý tưởng, chúng ta có thể tư duy bằng tiếng Việt hay tiếng gì tùy ý, nhưng khi viết tiếng Anh, nên cẩn thận và cố gắng diễn đạt theo cách nói của tiếng Anh, đừng dịch. Một thói quen trong cách viết văn của người Việt Nam là hay trích ca dao, thơ, câu nói của những người nổi tiếng để làm cho bài văn của mình có trọng lượng hơn. Người Mỹ khi viết văn, phần lớn họ sử dụng chính ngôn ngữ do họ viết ra, ít khi trích dẫn (trừ những bài nghiên cứu chuyên môn). Vả lại, chúng ta đâu phải là những chuyên viên để có thể dịch thơ hay tục ngữ ca dao từ Việt sang Anh dễ dàng đâu.

Khi nói cũng thế, đừng dịch. Cũng là một kinh nghiệm tôi học được khi mới sang Mỹ. Đi làm chỗ nào người ta cũng hỏi địa chỉ và số điện thoại bằng tiếng Anh trong khi đó tôi gần như đã tạm nhớ khi nói bằng tiếng Việt. Mỗi lần người ta hỏi, tôi có cảm giác sợ vì vừa nói vừa dịch nó từ Việt sang Anh, mất giờ, và đôi khi làm cho những người nghe cảm thấy chán và bực mình. Còn ngượng ngịu hơn nữa khi đọc trôi chảy số điện thoại bằng tiếng Anh rồi thì lại loạng quạng khi đọc nó bằng tiếng Việt, thậm chí dịch ngược lại từ Anh sang Việt.

Có thể nói, nếu người nói tiếng Anh mà cứ dịch từ tiếng Việt, không bao giờ khá được. Nhiều câu nói tiếng Việt thấy quá thường, nhưng khi dịch sang tiếng Anh lại vô cùng khó. Tôi có người bà con làm thông dịch tiếng Việt tại tòa án ở Los Angeles, một hôm, có một bà thuộc loại đanh đá kiện một ông hàng xóm về tội quấy rối cuộc sống của bà ta. Bà nói với quan tòa: “Cái thằng này, đồ chết trôi! Cái thứ đầu trâu mặt ngựa! Cái thứ ma chê quỷ hờn. Trời đánh chết con đ… mẹ mày đi!” Chị ta cứ trợn mắt lên, không dịch nổi. Thật ra chỉ cần dịch “He is a bad guy – Anh này là người xấu” là được. Một chữ khác người Việt rất hay dùng là “nhõng nhẽo”, khó dịch sang tiếng Anh vô cùng. Chữ nhõng nhẽo trong tiếng Việt đâu chỉ áp dụng cho trẻ con, mà mọi lứa tuổi đều dùng được, cả nghĩa xấu lẫn nghĩa tốt. Thế rồi dịch làm sao? Tôi kiểm tra nhiều từ điển và hỏi nhiều người Việt tại Mỹ và giải thích cho người Mỹ để tìm từ tương đương, nhưng đành chịu thua. Tôi hay nói với mấy đứa nhỏ Việt Nam sinh tại Mỹ, “You are nhong nheo.” Chúng nó hiểu.

Theo kinh nghiệm học nói tiếng Anh của tôi, tôi nghĩ, nên học theo tình huống ứng xử của người nói tiếng Anh, cũng đừng suy nghĩ phải ráp “S + V + Object…” rất tốn thời gian và làm cho chúng ta mất tự tin khi nói. Nên học thuộc nhiều mẫu câu và cụm từ là thượng sách. Nó sẽ giúp bạn nói trôi chảy hơn nhiều so với ráp câu. Ví dụ, chúng ta muốn nói một câu trong tình huống “Quá… tôi không thể… – It is too… for me to…” Nóng quá, tôi không uống được – It is too hot for me to drink. 

Nặng quá, tôi không xách được – It is too heavy for me to carry. Lạnh quá, tôi không ra ngoài được – It is too cold for me to go out.” Khi mới học thuộc mẫu câu nào, cố gắng đem nó ra áp dụng.
Nhiều học sinh Việt Nam du học tại Mỹ, trong lớp ít phát biểu là vì vừa nói vừa dịch. Bao giờ thoát ra khỏi dịch nghĩa từ tiếng Việt, bấy giờ chúng ta tiến rất nhanh. Trong khi đó, cách học ở Mỹ mở ra cho các học sinh quốc tế nhiều cơ hội để nói. Một buổi học thầy cô giảng không bao nhiêu, phần lớn thời gian dành cho các học sinh bàn luận. Khi thì bàn luận theo nhóm, lúc thì phát biểu từng cá nhân. Nếu chúng ta nói cứ ấm ớ, đó là một trở ngại rất lớn cho việc tiến thân trên con đường học vấn tại Mỹ.

Nguồn : Sưu Tầm


Published by Dương Văn Chín

Visit Dương Văn Chín's Facebook or Blog
Follow us Facebook.Click here Follow us Blog.Click here

0 nhận xét:

TOP